– Thuộc tính thứ nhất: tính quy phạm phổ biến, bắt buộc chung

Tính xã hội của pháp luật:

Phương diện thứ hai trong bản chất của pháp luật đó là phương diện xã hội. Điều đó có nghĩa là, pháp luật vừa là sự thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích giai cấp thống trị xã hội, vừa là công cụ ghi nhận, bảo vệ lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp xã hội khác vì mục đích ổn định và phát triển xã hội theo đường lối của giai cấp thống trị. Tính xã hội là một thuộc tính khách quan, tất yếu và phổ biến của mọi nhà nước và pháp luật. Nếu không quan tâm đúng mức đến tính xã hội trong hoạt động của nhà nước và trong hệ thống pháp luật sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực dưới những mức độ, hình thức nhất định đối với quá trình quản lý xã hội của các nhà nước.

Xu hướng dân chủ hóa, những đòi hỏi về tự do, công bằng, hài hòa lợi ích luôn là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội và luôn đặt ra cho nhà lập pháp phải quan tâm. Một hệ thống pháp luật tốt, hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào việc giải quyết hài hòa một cách tối ưu nhất lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, xã hội. Các nhà nước luôn luôn phải chịu những áp lực xã hội trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hay hủy bỏ các văn bản, các quy định pháp luật cho phù hợp. Nhất là trong xã hội hiện đại, ngày càng nẩy sinh và gia tăng các vấn đề xã hội phức tạp luôn đặt lên vai các nhà nước phải xem xét và giải quyết.

Mức độ thể hiện và thực hiện tính xã hội trong các kiểu pháp luật, trong một hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia vào các giai đoạn lịch sử khác nhau cũng có sự khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào hàng loạt những yếu tố khách quan và chủ quan như: điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, truyền thống đạo đức, tập quán; tương quan lực lượng giai cấp, xã hội, tôn giáo, dân tộc; xu thế phát triển quốc gia và quốc tế, các yếu tố chủ quan khác…Chẳng hạn, xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ hóa mọi lĩnh vực quan hệ xã hội đòi hỏi những cuộc cải cách lớn về pháp luật, đặc biệt là về tính công khai, minh bạch, sự ghi nhận và bảo đảm, bảo vệ các quyền con người.

Ví dụ, pháp luật của các nhà nước phong kiến trước đây chủ yếu là bảo vệ lợi ích của nhà nước và giai cấp địa chủ, đi ngược lại lợi ích của người lao động. Bên cạnh đó, pháp luật phong kiến còn có những quy định tuy không nhiều liên quan đến quyền lợi của người nông dân, các đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Điển hình nhất là Bộ Luật Hồng Đức của nhà Lê. Bản chất của Quốc triều hình luật được biểu hiện ở tính giai cấp và tính xã hội, bảo vệ quyền lực thống trị của giai cấp phong kiến, trật tự xã hội phong kiến; đồng thời ghi nhận và bảo vệ quyền lợi của giai cấp nông dân và những người lao động khác, của phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật.

Cũng như đạo đức, pháp luật có vai trò, giá trị xã hội to lớn ở tất cả các giai đoạn phát triển của nhân loại nhưng trên những mức độ nhất định. Chính cuộc sống con người, các mối quan hệ xã hội mà họ tham gia cần đến sự ổn định, trật tự được xác lập và đảm bảo bằng một hệ thống các loại quy tắc xã hội như đạo đức, tập quán, pháp luật v.v… Các quy phạm pháp luật là kết quả của sự tuyển chọn lâu dài trong thực tiễn xã hội, bản thân các quy phạm pháp luật cũng mang tính quy luật. Những cách xử sự hợp lý, khách quan được trải nghiệm, kiểm nghiệm trong cuộc sống, chuyển giao qua nhiều thế hệ, rất nhiều trong số đó có cội rễ từ trong xã hội tiền giai cấp, được nhà nước “tuyển chọn”, đưa thêm các quan điểm, lợi ích của mình và thông qua những thủ tục, hình thức pháp lý nhất định “ nâng lên” thành luật pháp.

Với tư cách là các quy tắc hành vi, pháp luật vừa có vai trò hướng dẫn, vừa có vai trò đánh giá, kiểm tra, kiểm nghiệm các quá trình, các hiện tượng xã hội. Đồng thời, pháp luật còn là công cụ ghi nhận các quá trình xã hội, nhận thức xã hội, định hướng các hoạt động xã hội theo những tiêu chí, mục đích nhất định. Nhận thức đúng vai trò, giá trị xã hội của pháp luật. Các Mác đã viết: “pháp luật phải lấy xã hội làm cơ sở, pháp luật phải là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội” và, “chừng nào bộ luật không còn thích hợp với xã hội nữa thì nó sẽ biến thành mớ giấy lộn”. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính chất điển hình và phổ biến. Kỹ thuật pháp lý trên cơ sở nhận thức khoa học các quan hệ xã hội là phải xử lý đúng đắn, hợp lý giữa tính khái quát, mô hình hóa với tính cụ thể trong các văn bản pháp luật để dễ hiểu, dễ vận dụng vào cuộc sống. Thực trạng hiện nay của chúng ta là có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành văn bản luật. Chủ trương chung là phải khắc phục tình trạng này, giảm thiểu số lượng các loại văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật. Muốn vậy, yêu cầu đặt ra là cần hoàn thiện các văn bản luật, luật phải phổ thông, dễ hiểu, dễ vận dụng, phù hợp cuộc sống.

Pháp luật là hiện tượng văn hóa, không chỉ của một quốc gia, dân tộc mà của nhiều nền văn hóa thế giới. Những quan hệ trong lĩnh vực tổ chức nhà nước, dân sự, hôn nhân, gia đình, thương mại v. v… luôn hiện hữu những nét tương đồng của nhiều nền văn hóa. Do vậy, để có cái nhìn bao quát, toàn diện hơn về pháp luật, cần thiết phải đề cập đến các đặc điểm khác nữa của pháp luật như tính dân tộc, tính mở, tính nhân loại bên cạnh tính giai cấp, tính xã hội và giá trị xã hội của pháp luật. Một hệ thống pháp luật tốt, được người dân chấp nhận phải thể hiện các yếu tố, tinh thần dân tộc, truyền thống văn hóa, đạo đức, tập quán. Đồng thời pháp luật quốc gia phải là hệ thống pháp luật mở, tiếp nhận với tinh thần và khả năng chọn lọc những thành tựu của nền văn hóa pháp lý nhân loại, nhất là trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế. Sự xích lại gần nhau của các nền văn hóa, trong đó có văn hóa pháp luật đã và đang là xu thế tất yếu của thế giới hiện đại. Phải thay đổi để tồn tại trong một môi trường quốc tế hợp tác bình đẳng, cùng có lợi là con đường đi tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc.

Nguồn gốc của pháp luật là gì?

Trong lịch sử phát triển của loài người đã có thời kỳ không có pháp luật đó là thời kỳ xã hội cộng sản nguyên thủy. Trong xã hội này, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định cho xã hội, người nguyên thủy sử dụng các quy phạm xã hội, đó là các tập quán và tín điều tôn giáo. Các quy phạm xã hội trong chế độ cộng sản nguyên thủy có những đặc điểm: Thể hiện ý chí chung của các thành viên trong xã hội, bảo vệ lợi ích cho tất cả thành viên trong xã hội; Là quy tắc xử sự chung của cả cộng đồng, là khuôn mẫu của hành vi; Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, dựa trên tinh thần hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, mặc dù trong xã hội cộng sản nguyên thủy cũng đã tồn tại sự cưỡng chế nhưng không phải do một bộ máy quyền lực đặc biệt tổ chức mà do cả cộng đồng tổ chức tạo nên.

Những tập quán và tín điều tôn giáo lúc bấy giờ là những quy tắc xử sự rất phù hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội, bởi vì nó phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế – xã hội của chế độ cộng sản nguyên thủy, phù hợp với tính chất khép kín của tổ chức thị tộc, bào tộc, bộ lạc. Khi chế độ tư hữu xuất hiện và xã hội phân chia thành giai cấp những quy phạm xã hội đó trở nên không còn phù hợp. Trong điều kiện xã hội mới xuất hiện chế độ tư hữu, xã hội phân chia thành các giai cấp đối kháng, tính chất khép kín trong xã hội bị phá vỡ, các quy phạm phản ánh ý chí và bảo vệ lợi ích chung không còn phù hợp. Trong điều kiện lịch sử mới xã hội đòi hỏi phải có những quy tắc xã hội mới để thiết lập cho xã hội một “trật tự”, loại quy phạm mới này phải thể hiện được ý chí của giai cấp thống trị và đáp ứng nhu cầu đó pháp luật đã ra đời.

Giai đoạn đầu giai cấp thống trị tìm cách vận dụng những tập quán có nội dung phù hợp với lợi ích của giai cấp mình, biến đổi chúng và bằng con đường nhà nước nâng chúng lên thành các quy phạm pháp luật. Ví dụ: Nhà nước Việt Nam suốt thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương chưa có pháp luật thành văn, hình thức của pháp luật lúc bấy giờ chủ yếu là tập quán pháp. Bên cạnh đó các nhà nước đã nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật. Bởi lẽ, nếu chỉ dùng các tập quán đã chuyển hóa để điều chỉnh các quan hệ xã hội thì sẽ có rất nhiều các quan hệ xã hội mới phát sinh trong xã hội không được điều chỉnh, vì vậy để đáp ứng nhu cầu này hoạt động xây dựng pháp luật của các nhà nước đã ra đời. Hoạt động này lúc đầu còn đơn giản, nhiều khi chỉ là các quyết định của các cơ quan tư pháp, hành chính, sau dần trở nên hòan thiện cùng với sự phát triển và hòan hiện của bộ máy nhà nước. Như vậy pháp luật được hình thành bằng hai con đường: thứ nhất, nhà nước thừa nhận các quy phạm xã hội – phong tục, tập quán chuyển chúng thành pháp luật; thứ hai, bằng hoạt động xây dựng pháp luật định ra những quy phạm mới.

Nguồn gốc của pháp luật tiếng anh là “The origin of the law”.

Có nhiều cách tiếp cận về pháp luật. Có các trường phái như pháp luật tự nhiên, pháp luật thực chứng, pháp luật lịch sử, tâm lý học pháp luật, xã hội học pháp luật, Mác-Lênin về pháp luật…Mỗi cách tiếp cận có ưu điểm và hạn chế riêng.

Theo cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác – Lênin: Bản chất pháp luật là một thể thống nhất bao gồm hai mặt – hai phương diện cơ bản: phương diện giai cấp và phương diện xã hội hay thường được gọi là tính giai cấp và tính xã hội. Hai phương diện này có quan hệ mật thiết, phụ thuộc, tác động lẫn nhau và cả hai đều mang tính tất yếu khách quan.

Do những điều kiện khách quan và chủ quan, sự thể hiện và thực hiện tính giai cấp và tính xã hội của pháp luật có khác nhau trong các kiểu nhà nước, trong các giai đoạn phát triển mỗi một nhà nước.

Trong các xã hội đương đại, tính xã hội, tính nhân loại ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý, cần thiết của nhà nước mà còn là công cụ của mỗi cá nhân và toàn xã hội.