This site uses cookies from Google to deliver its services and to analyze traffic. Information about your use of this site is shared with Google. By using this site, you agree to its use of cookies.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa là ai?

Có lẽ đã lâu, sân khấu (SK) cải lương TP.HCM mới có lại những đêm diễn chật kín khán giả trước sảnh nhà hát trước khi mở màn gần hai tiếng đồng hồ. Rất nhiều khán giả tập trung, chăm chú lắng nghe từng lời giới thiệu về đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, về bà bầu Thơ và những thành viên trong gia đình cải lương nổi tiếng một thời. Là khán giả có mặt từ rất sớm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Vĩnh (Q.10) cho biết: “Chúng tôi mong tìm lại được những kỷ niệm đẹp của cải lương ngày xưa. Cũng biết là có nhiều đổi thay, các nghệ sĩ (NS) xuân sắc một thời giờ đã lớn tuổi… nên chúng tôi không kỳ vọng tất cả phải hay, phải đẹp như trước, mà chỉ muốn thấy lại sự nghiêm túc trong biểu diễn như khi xem cải lương ngày xưa”. Đó không phải là tâm trạng của riêng vợ chồng ông Vĩnh mà còn của hầu hết khán giả có mặt. Hai bạn trẻ Huy Cường (nhà ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) và Văn Thành (SV ĐH Công Nghiệp TP.HCM) chia sẻ: “Tụi em chỉ biết đoàn Thanh Minh - Thanh Nga qua lời kể của ba má và được nghe, xem qua băng đĩa, internet… Vì vậy, tụi em muốn đến để được “nhìn” lại những hồi ức của ba má và xem những NS từng làm ba má, ông bà tụi em mê mẩn thế nào”.

Bốn suất diễn cháy vé, điều mà chính ê kíp tổ chức và các NS tham gia chương trình đều bất ngờ. “Cải lương không chết và sẽ không bao giờ chết”, đó là khẳng định chắc nịch của soạn giả Kiên Giang ngay trước giờ diễn và đã được chứng minh ngay sau đó. Tình cảm của khán giả dành cho cải lương vẫn đầy ăm ắp. Những tràng vỗ tay liên tục vang lên dưới hàng ghế khán giả khi được xem một lớp diễn hay, được nghe một lối luyến láy, nhả chữ mượt mà, điêu luyện của NS. Và đặc biệt là tình cảm khán giả dành cho cố NSƯT Thanh Nga. Những tiếng xuýt xoa, tiếng trầm trồ, tiếng vỗ tay không dứt khi có những đoạn clip ngắn của NSƯT Thanh Nga trong hai vở Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh được phát xen kẽ giữa các lớp diễn.

NSƯT Thanh Sang và NS Phượng Liên tái ngộ công chúng trong vở Bên cầu dệt lụa

Ngày nay, dấu ấn của thời gian, tuổi tác in rất rõ trong vóc dáng, động tác của những tên tuổi vang bóng một thời: NSƯT Thanh Sang, Phượng Liên, NSND Lệ Thủy, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hùng Minh, Xuân Lan, Kim Hương…; nhưng nội lực ca diễn, sự tinh tế, sắc sảo trong thể hiện nhân vật của họ vẫn đủ sức chinh phục người xem. Bên cạnh “dấu ấn” sự trở lại của NSƯT Thanh Sang với những vai diễn đã làm nên tên tuổi của ông ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, một trong những lớp diễn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem trong Bên cầu dệt lụa là cuộc tái ngộ của công chúa Bích Vân (NS Xuân Lan) và tân trạng Trần Minh (NSƯT Thanh Sang). Cuộc hội ngộ lần đầu tiên của hai nhân vật “bản gốc” trên sàn diễn sau hơn 35 năm vẫn đong đầy cảm xúc.

Trở lại với SK sau gần 40 năm chia tay, NS Xuân Lan không giấu được xúc động: “Được quây quần bên nhau để cùng chăm chút cho thành công của đêm diễn là hạnh phúc khó nói nên lời của NS chúng tôi. Trở lại sàn diễn để thấy tình cảm của khán giả dành cho cải lương vẫn còn nhiều lắm” - “Điều quan trọng là phải biết đánh thức tình yêu của công chúng và giữ lửa nghề cho chính mình”, NSƯT Thanh Sang tiếp lời. Có một điều quan trọng hơn, nếu đến xem lớp NS thuộc hàng U60 - U70 này biểu diễn, không ít NS, diễn viên trẻ hiện nay sẽ phải tự xem lại mình, nếu thực sự họ là những người biết trân trọng nghề diễn.

Trong niềm vui nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sức hút của chương trình Chút tình gửi lại nhân gian hy vọng sẽ là động lực cho những người làm nghề, góp phần thổi bùng ngọn lửa tình yêu đối với nghệ thuật dân tộc của công chúng. Nỗi khát khao của NSƯT Bảo Quốc thật sự cần được chia sẻ: “Bao giờ học sinh sẽ được học xừ xang xê cống thay vì chỉ biết đồ rê mí?”.